Mua nhà Hà Nội thay vì đầu tư, vợ chồng trẻ nhận thành quả bất ngờ

Chia sẻ tin này:

Một số người trẻ thay vì mua nhà đã lựa chọn đi thuê, lấy tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tiền ảo. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh, không ít người cho rằng mua nhà là lựa chọn an toàn hơn.

Mua nhà thay vì đầu tư

Cùng lên Hà Nội học tập và làm việc, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đặt mục tiêu tiết kiệm để có một khoản tích lũy. Sau khi kết hôn, anh Tùng cùng vợ dự định sẽ đầu tư vào một miếng đất ở ngoại thành Hà Nội và đi thuê nhà để ở.

Thế nhưng dịch Covid-19 ập tới khiến anh Tùng phải nghỉ việc một thời gian, mọi chi phí đều đổ dồn một lúc. Ngoài chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà vào khoảng 7 triệu đồng/tháng khiến anh vô cùng lo lắng.

Vì thế, đầu năm nay, anh Tùng đã quyết định lấy số tiền 1,3 tỷ đồng tiết kiệm của hai vợ chồng để mua chung cư. Thiếu 700 triệu đồng, anh vay ngân hàng.

Tuy nhiên, giải pháp an toàn của anh Tùng là mua nhà tại dự án cho miễn gốc và lãi trong năm đầu tiên. Do đó, áp lực trả nợ trong thời điểm dịch bệnh của anh giảm đi đáng kể, dù có thời điểm anh phải nghỉ ở nhà chờ việc.

Hiện tại, anh Tùng đã tìm được công việc mới với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Chưa phải trả ngân hàng nhưng anh và vợ đều tiết kiệm chi tiêu và để lại một nửa thu nhập cho việc trả nợ. Không gặp áp lực trả nợ trong mùa dịch lại không phải đóng tiền nhà, anh Tùng thảnh thơi hơn khi lựa chọn công việc phù hợp. Thời gian ở nhà thoải mái, anh còn kiếm được thêm việc làm, tạo ra thu nhập. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng tính toán tốt như anh Tùng. Chị Huyền My (Mỹ Đình, Hà Nội) đã “vỡ trận” vì mua nhà trả góp. Chị My cùng chồng đã cố gắng mua căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng, số tiền vay khoảng 50% giá trị căn nhà. Song, thu nhập của vợ chồng chị đã giảm 30-50% so với trước. Công việc cũng bấp bênh do công ty có nguy cơ phá sản.

Chưa dừng lại ở đó, các khoản vay từ bạn bè người thân đến hạn trả. Chị My đã phải tính tới việc bán nhà và mua một căn hộ ở xa trung tâm để giảm áp lực. Nhưng việc bán nhà trong mùa dịch cũng không đơn giản như chị nghĩ, do việc đi lại khó khăn. Các giao dịch hầu như không thể diễn ra.

Người trẻ nên dự tính rủi ro để tránh phải bán nhà (Ảnh: Thanh Tùng).

Chị My mong từng ngày hết giãn cách để có thể bán nhà. Vì kéo dài quá lâu, các khoản nợ sẽ khó kiểm soát hơn. Thậm chí hạnh phúc gia đình chị cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vấn đề này.

Dù vậy, chị My vẫn khẳng định, sau khi bán nhà, chị sẽ mua một căn hộ khác vừa tiền hơn. Quyết định mua nhà vẫn an toàn hơn đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là với những người có thu nhập không cao như chị. Thế nhưng, người trẻ mua nhà cần có tính toán chính xác để không tự tạo áp lực quá lớn cho gia đình.

Kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn?

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho rằng, lãi suất tiết kiệm quá thấp và kênh đầu tư vàng bấp bênh thì chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ở thời điểm này.

Tuy nhiên, ông Nam cũng khuyến cáo một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường bởi chứng khoán là kênh đầu tư đòi hỏi trình độ chuyên môn, cần có kiến thức thị trường lẫn hiểu biết về doanh nghiệp để sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Nhà đầu tư mới cần bình tĩnh, tìm hiểu từ từ, chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền có sổ đỏ. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất có “sổ đỏ” sẽ hút dòng vốn rất mạnh.

TS. Phạm Lan Hương, Trưởng bộ môn Kinh tế địa chính – Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế quốc dân, thì cho rằng, hai kênh đầu tư được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn là đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản.

So với các kênh đầu tư tài chính, đầu tư đất, nhà, chỗ ở là nhu cầu thiết yếu và thường xuyên của con người. Khi đầu tư bất động sản nhà đầu tư luôn được hưởng giá trị kép, vừa giữ được tài sản, không lo lạm phát, vừa tạo ra được lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ như cho thuê làm cửa hàng, giải quyết được bài toán về chỗ ở cho bản thân.

Hơn nữa, theo bà Hương, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động đầu tư tài chính phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế nên khả năng rủi ro cao hơn. Do đó, hoạt động đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn do tính bền vững và giá trị thực của nhà đất.

“Đặc biệt là giới trẻ, khi nền kinh tế ổn định, phát triển thì họ có xu hướng lựa chọn kênh đầu tư tài chính để “chơi”. Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh, họ có xu hướng quay sang nhà đất để lựa chọn kênh đầu tư an toàn hơn”, TS Phạm Lan Hương cho hay.

Thế Hưng (Dân trí)

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Để lại một bình luận