Lô đất, thửa đất là từ ngữ được sử dụng nhiều trong các văn bản về đất đai hay dùng phổ biến trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai. Vậy thửa đất, lô đất được hiểu như thế nào?
Theo các văn bản hiện hành, chỉ có khái niệm thửa đất là được định nghĩa một cách đầy đủ và chi tiết. Còn khái niệm lô đất, các văn bản pháp luật đất đai hiện hành không có bất cứ một sự giải thích cụ thể nào.
Thửa đất là gì?
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 4 của Luật Đất đai 2003 và Quyết định 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10-11-2008 thì thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Ranh giới thửa đất trên thực địa được xác định bằng các cạnh thửa là tâm của đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối giữa các mốc giới hoặc địa vật cố định (là dấu mốc hoặc cọc mốc) tại các đỉnh liền kề của thửa đất; ranh giới thửa đất mô tả trên hồ sơ địa chính được xác định bằng các cạnh thửa là đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối giữa các mốc giới hoặc địa vật cố định…
Thông tin về Thửa đất sẽ được thể hiện tại trang 2 của giấy chứng nhận (sổ hồng, sổ đỏ).
Lô đất là gì?
Về lô đất, chúng ta có thể hiểu lô đất có thể là một hoặc nhiều thửa đất nằm liền kề nhau. Khi đó, ranh giới phân chia trên thực địa được xác định bằng góc hoặc cạnh của lô đất đó. Còn đối với hồ sơ quản lý thì sẽ được xác định trên đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối các mối địa giới. Điều này còn tùy thuộc vào tình hình thực tế trên địa bàn.
Có được cấp sổ đỏ cho cả lô đất?
Theo Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận như sau:
“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.”.
Do đó, người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận cho cả lô đất (trường hợp có nhiều thửa đất) với điều kiện lô đất đó gồm nhiều thửa đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn mà người sử dụng đất đó có yêu cầu.
Một số quy định liên quan đến việc sử dụng đất
Nguyên tắc sử dụng đất
– Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
– Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
– Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những hành vi bị nghiêm cấm
– Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
– Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
– Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
– Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
– Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
– Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
– Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
– Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tài sản gắn liền với thửa đất sẽ thuộc sở hữu của chủ, gồm:
– Nhà ở, nhà máy, cửa hàng, doanh nghiệp, nhà kho, cơ sở trưng bày sản phẩm…
– Nhà máy, xưởng sản xuất, xưởng chế tác mỹ nghệ, chuồng nuôi gia súc gia cầm…
– Ao, hồ, giếng nước, nhà vệ sinh, tường bao…
– Rừng, đồi, cây cối…
Điều kiện để được tách thửa đất:
– Thửa đất đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được phép tách thửa.
– Cần đáp ứng về diện tích tách thửa tối thiểu và hạn mức tối đa cho một thửa đất (Quy định của từng tỉnh, thành sẽ khác nhau).
– Những gia chủ có đất tách thửa phải thường xuyên có hộ khẩu thường trú tại địa phương và có căn cứ sử dụng đất ổn định từ trước đến nay. Đảm bảo không có hiện tượng tranh chấp về đất đai.
Phương Vũ (TH)