Con cái không được hưởng thừa kế nhà, đất trong trường hợp nào?

Chia sẻ tin này:

Con cái đối xử tệ bạc, có hành vi ngược đãi nghiêm trọng đối với cha mẹ là một trong những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà, đất.

Di sản là gì?

Theo Điều 612 Bộ Luật dân sự 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Ngoài ra, theo Điều 105 BLDS 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản, có thể là hiện có hoặc hình thành trong tương lai.

Như vậy, nhà, đất cũng được xem là di sản của người đã mất.

Các trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất

Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây không được quyền hưởng di sản cũng như quyền thừa kế nhà đất, bao gồm:

Trường hợp 1: Người bị kết án theo bản án có hiệu lực của pháp luật về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó, sẽ không được quyền hưởng di sản cũng như quyền thừa kế.

Trường hợp này bắt buộc phải có bản án có hiệu lực của pháp luật. Do đó, những người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này.

Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

Pháp luật về hôn nhân và gia đình có quy định về bổn phận của con phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ bất luận trong mọi trường hợp tình trạng kinh tế, sức khỏe cha mẹ như thế nào. Trên cơ sở nghĩa vụ nuôi dưỡng của con đối với cha mẹ thì khi cha mẹ mất khả năng lao động, chăm sóc bản thân thì người con có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng với cha mẹ.

Nhưng khi người con vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ theo quy định pháp luật làm cho cha mẹ lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không được hưởng di sản do cha mẹ để lại.

Chẳng hạn: Cha mẹ già có con cái bỏ mặc không chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi cha mẹ già có nhu cầu cần được chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong trường hợp này, người con có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng lại không nuôi dưỡng nên đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ này có thể bị tước quyền hưởng di sản.

Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Trường hợp này, người thừa kế vì muốn chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế khác có quyền được hưởng nên có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác và đã bị kết án hành vi trên bằng một bản án có hiệu lực của pháp luật thì người này sẽ bị tước quyền thừa kế.

Chẳng hạn: Nhà có hai anh em, nếu người anh trai vì mục đích giết người để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản của người em thì hành vi này đã được kết án bằng một bản có có hiệu lực của pháp luật thì người anh sẽ bị tước quyền thừa kế. Trường hợp này bắt buộc phải có đồng thời 2 yếu tố: một là phải có bản án kết án về tội giết người, hai là trong bản án phải kết luận rõ người anh giết người em vì một mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế của người em.

Trường hợp 4: Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Quyền được lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của cha mẹ khi còn sống, hành vi con cái cản trở cha mẹ lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc…là hành vi trái pháp luật.

Do đó, những người có hành vi trái pháp luật này sẽ bị tước đoạt quyền thừa hưởng di sản.

Tuy nhiên, nếu người để lại di sản mặc dù đã biết hành vi của những người trong 4 trường hợp trên nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì những người này vẫn được hưởng di sản.

Trường hợp 5: Con đã thành niên có khả năng lao động và toàn bộ di sản được thừa kế theo di chúc hợp pháp nhưng không cho người con đó hưởng thừa kế

Theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định những người vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, bao gồm:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Từ quy định trên, nếu con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có khả năng lao động không được hưởng di sản thừa kế khi:

  • Người lập di chúc không cho người đó hưởng thừa kế theo di chúc.
  • Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở được thừa kế theo di chúc hợp pháp.

Di sản không có người thừa kế, xử lý thế nào?

Những trường hợp không có người hưởng di sản theo pháp luật như không có người thừa kế theo các hàng thừa kế do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản…được quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước

Như vậy, trong các trường hợp không có người thừa kế nhận di sản thì phần di sản thừa kế này sẽ thuộc về Nhà nước sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ của người để lại thừa kế.

Thảo Uyên (TH)

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Để lại một bình luận