Những câu chuyện nhà đầu tư lướt sóng mắc kẹt, bất đắc dĩ thành cư dân rồi lại lãi lớn từ chính mảnh đất ấy không phải là chuyện hiếm gặp trên thị trường bất động sản hiện nay.
Kể với chúng tôi về câu chuyện đầu tư của mình, anh Trọng một viên chức Hà Nội rẽ ngang đầu tư bất động sản cho biết năm 2019 thời điểm bất động sản sốt nóng anh theo một số nhà đầu tư về Thanh Hóa mua đất. Lô đất đầu anh mua ở Đông Sơn lướt nhanh sau 2 tuần thu về được 200 triệu đồng.
Tưởng dễ kiếm lời, anh Minh mạnh dạn chung với bạn mua thêm 2 lô nữa. Tuy nhiên, khi anh Minh vừa chốt xong cũng là lúc thị trường gãy sóng, anh mắc kẹt tại Thanh Hóa với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng. Năm 2020, căn shophouse anh mua chung với bạn đành bán cắt lỗ, căn còn lại anh phải lo thêm 1 tỷ nữa đóng nốt để lấy lấy sổ đỏ. Lô shophouse này được quy hoạch trước cổng trường cấp 2 và cấp 3, anh Minh xác định sau này khi trường học chuyển về sẽ để kinh doanh hoặc cho thuê.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2021 đất Thanh Hóa bất ngờ sốt trở lại, căn shophouse ban đầu của anh có giá 1,4 tỷ giờ đã tăng gần 2 tỷ đồng. Anh Minh chớp cơ hội bán luôn chốt lời 500 triệu sau 1 năm giữ hàng. “Khi thị trường bất ngờ đi xuống tôi quyết định không chạy theo đám đông bán cắt lỗ mà giữ lại để kinh doanh hoặc cho thuê bởi căn shophouse tôi mua có vị trí đẹp, giá mua ban đầu rẻ chỉ hơn 14 triệu đồng/m2 lại nằm ở khu trung tâm thị trấn”, anh Minh cho biết.
Cũng như anh Minh, chị Hòa một nhà đầu tư bất động sản tại Mê Linh cho biết năm 2010 phải qua rất nhiều mối quan hệ chị mới có suất mua được một lô liền kề. Chưa kịp đến tận nơi xem lô đất mình mua thực tế nằm ở đâu thì thị trường Mê Linh bất ngờ gẫy sóng đã khiến chị Hòa phải ôm lô liền kề suốt gần 10 năm sau đó.
>> Mua nhà có ma – Có nên hay không khi giá rẻ?
Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, giá đất Mê Linh bắt đầu tăng trở lại, chị Hòa nhờ một môi giới chỉ tận chỗ căn liền kề chị mua cách đâu 10 năm. Thấy hạ tầng giao thông thuận tiện, lô đất vuông vắn nằm ngay gần đường lớn, chị Hòa quyết định chờ giá tăng thêm mặc cho môi giới đã có mối khách thiện chí vào tiền ngay.
Đến đầu năm 2021, giá Mê Linh tăng nóng gấp đôi thời điểm đầu năm 2020, khi đó mảnh liền kề của chị Hòa cũng tăng gấp 4 lần so với giá mua ban đầu. Mặc dù có thể chốt lãi luôn nhưng chị Hòa vẫn chưa bán bởi còn kỳ vọng giá tiếp tục tăng nữa. “Thị trường đất vùng ven Hà Nội đang rất tốt, các khu vực như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Khu vực Mê Linh hạ tầng đã hoàn thiện, quỹ đất sạch lên tới hàng nghìn ha. Tôi đã chờ được 10 năm thì chờ thêm 1-2 năm nữa cũng không thành vấn đề gì”, chị Hòa cho biết.
Chị Hòa lý giải thêm: “Đất Mê Linh rất đẹp khi cách khu đô thị Ciputra chỉ tầm 6km, hạ tầng thông thoáng, các trục đường lớn đã được xây dựng cách đây cả chục năm. Hiện nhiều ông lớn BĐS cũng đang rục rịch triển khai các đại dự án như Vingroup với 2 dự án lớn, MIK với khu đô thị 200ha, HUD, CEO cũng có các dự án quy mô lớn tại đây. Hiện nay giá 25 triệu đồng/m2 vẫn có dư địa tăng thêm”.
Câu chuyện lướt sóng gặp đúng sóng gãy, ôm đất rồi chốt lãi lớn từ khoản đầu tư tưởng như mắc kẹt là chuyện thường gặp trong đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, để có thể áp dụng quy tắc này đòi hỏi nhà đầu tư phải mạnh về tài chính, ít chịu áp lực từ ngân hàng và xác định đầu tư mua đất là đầu tư lâu dài.
Nguyên lý đầu tư này từng được ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank từng khẳng định: “Nếu nhà đầu tư mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy thôi”.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển – chuyên gia bất động sản lâu năm trên thị trường BĐS cũng đánh giá: “Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá BĐS chưa một lần giảm. Biểu đồ giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần đều, dù có gãy sóng ở một số giai đoạn nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Thống kê của batdongsan.com cũng nêu rõ trong 16 năm qua, giá bất động sản tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tăng 27 lần, tại Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh tăng 22 lần, trong khi giá vàng chỉ tăng hơn 5 lần. Đây là nguyên nhân khiến đầu tư mua đất nhiều hơn trong gian đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp bởi xét về dài hạn đất không bao giờ giảm giá. Đối với những nhà đầu tư mạnh về tài chính khi đã cho tiền vào bất động sản là họ đã ăn chắc một phần lãi. Tuy nhiên, tùy từng sản phẩm thời gian chốt lãi có thể sớm hay muộn.
>> Nỗi buồn ‘đại gia chốt liền tay 4 lô đất giá 12 tỷ’
Nam Anh (Tổ quốc)