Sốt đất ở nông thôn: Tình thân “đảo chiều” theo giá đất

Chia sẻ tin này:

Cả đời sống thuận hoà, tình cảm gắn kết nhưng cơn sốt đất bất ngờ xảy ra đã khiến tình thân của không ít gia đình ở nông thôn rạn nứt. Giá đất càng tăng cao thì những mâu thuẫn, bất hoà cũng leo thang. Anh em từ mặt nhau, thậm chí kéo nhau ra chốn pháp đình để phân xử thiệt hơn.

Nhiều cơn sốt đất bất thường đang diễn ra ở các vùng nông thôn

“Sốt đất nông thôn” đang là từ khoá xuất hiện thường xuyên trên nhiều mặt báo trong thời gian qua. Từ Hà Tĩnh, Nghệ An đến Quảng Trị hay Bình Phước, Đắk Lắk…nhiều vùng quê vốn yên bình nay bị xáo trộn, cuốn theo cơn sốt đất bất thường.

Nhờ phương tiện truyền thông, hầu như ai cũng có thể biết trước những cơn sốt đất trên đều có dấu hiệu “bất thường”. Tuy nhiên, điều bất thường đó vẫn liên tục diễn ra ở nhiều nơi và mang đến nhiều hệ luỵ. Giá đất tăng chóng mặt có thể mang đến nụ cười cho nhiều gia đình ở nông thôn, nhưng với nhiều gia đình khác lại là những giọt nước mắt cay đắng.

Kể từ khi bán đi mảnh đất vườn để thu về hơn 1 tỉ đồng, gia đình ông Chiến (huyện Đắk MiL, tỉnh Đắk Nông) đã không thể quay về những ngày tháng êm đềm trước đó. Cơn sốt đất bất ngờ từ cuối năm 2021, đã khiến giá đất ở quê ông Chiến nhảy vọt chưa từng có. Thông tin nhiều người trong vùng bán đất thu tiền tỉ bắt đầu lan truyền, trở thành chủ đề “thời sự” mỗi ngày.

Mấy chục năm vào Tây Nguyên lập nghiệp, ông Chiến luôn ấp ủ mơ ước xây được một căn nhà khang trang cho gia đình. Tuy nhiên, nhà đông con, giá cà phê lại biến động thất thường nên “giấc mơ” đó chưa thành hiện thực. Nay giá đất tăng cao là cơ hội hiếm có, sau khi bàn tính với gia đình, ông Chiến quyết định cắt 30m đất mặt tiền đường bê tông bán để xây nhà.

Với giá đất 35 triệu đồng mỗi mét ngang, ông Chiến lần đầu tiên được cầm trong tay số tiền hơn 1 tỉ đồng. Sau khi có tiền, ông Chiến hồ hởi gọi thợ đến giác móng để xây dựng nhà. Ông tính toán, sẽ xây nhà trong khoảng 500 triệu đồng, còn 500 triệu nữa thì sẽ tìm một mảnh đất khác phù hợp mua để dành cho con cái sau này.

Tuy nhiên, khi móng nhà vừa xong, ông Chiến bủn rủn chân tay khi nghe được thông tin người mua đất của ông nay bán lại cho người khác với giá 50 triệu đồng một mét ngang. Chỉ chưa đầy một tháng, mảnh đất giá hơn 1 tỉ đồng tăng lên 1,5 tỉ đồng. Một số gia đình trong xóm cũng được người ta hỏi mua đất với mức giá này.

Ban đầu, cả gia đình ông Chiến ai cũng cảm thấy “tiếc đứt ruột” vì đã bán quá sớm. Dần dần hàng xóm lời ra tiếng vào, cho rằng ông Chiến “dại” nên mất cả đống tiền. Tiếp đến, người trong gia đình cũng quay ra trách móc nhau, thậm chí những cuộc cãi vã lớn tiếng xảy ra. Cay đắng hơn, khoản tiền 500 triệu đồng mà ông Chiến dự định mua đất nay cũng chỉ biết gửi ngân hàng vì giá đất của khu vực đã tăng vọt khiến ông không mua nổi.

Hiện tại, căn nhà mơ ước vẫn đang được tiếp tục xây dựng, nhưng ông Chiến chẳng còn thấy vui bởi sự tiếc nuối, dằn vặt, cau có vẫn đang đeo bám ông mỗi ngày.

Đến bây giờ bà Dung (ngụ Bình Phước) vẫn không tin có ngày mình và người anh ruột của chồng phải đưa nhau ra toà án. Từ hơn chục năm trước, do kinh tế khó khăn, gia đình bà Dung đã rời bỏ quê hương ở một tỉnh phía Bắc để vào Đắk Lắk lập nghiệp. Lúc đi, vợ chồng bà có mảnh đất và nhờ người anh trai của chồng trông nom hộ. Vì đường xá xa xôi nên khi làm sổ đỏ, bà Dung nhờ người bác đứng tên dùm. Hàng năm bà vẫn gửi tiền về để người bác đóng tiền thuế đất.

Mấy năm gần đây, vùng quê của bà Dung phát triển do ảnh hưởng của đô thị hoá, đường xá được mở rộng, bê tông hoá. Ít ai ngờ mảnh đất đầm lầy trước nay chỉ để trồng rau muống của bà nay được nhiều người hỏi mua với giá tiền tỉ.

Đầu năm nay, thấy giá đất tăng cao bà Dung về quê làm thủ tục bán lô đất trên để có vốn hỗ trợ cho con cái làm ăn. Tuy nhiên, lúc trao đổi ý định bán đất với người bác thì ông này không đồng ý. Ban đầu ông tránh mặt nhưng sau đó nói thẳng là đất đó giờ không còn phải của bà Dung vì bà đã bỏ đi nhiều năm. Ông bác sau đó còn tác động anh em họ hàng để gây áp lực, không cho bà Dung bán đất.

Sau nhiều lần thương thảo vì không muốn mất tình thân nhưng người anh chồng vẫn không thay đổi quyết định, bà Dung đành nhờ luật sư để chuẩn bị hồ sơ trình toà án phân xử.

Trong thời gian tới, bà Dung sẽ phải mất thời gian, chi phí để đòi lại mảnh đất của mình. Nhưng cái khiến bà mệt mỏi hơn đó là những người thân ruột thịt từng khăng khít nay chỉ còn những ánh mắt hằn học, những lời nói nặng nề dành cho nhau.

Trần Phong

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Để lại một bình luận