Cầm 1.5 tỉ đồng đi đầu tư bất động sản (BĐS), anh V “chắc như đinh đóng cột” sẽ lời khoảng 40% sau một năm, bởi giá đất khu vực anh mua tăng liên tục. Nhưng ngay lần đầu đem tiền đi đầu tư đất nền, anh V lỗ gần nửa tỉ đồng.
Được bạn bè rủ đi đầu tư đất vì thấy nhiều người phất lên từ việc mua bán đầu tư BĐS. Có được khoản tiết kiệm 1 tỉ đồng do buôn bán quán ăn, anh V quyết tâm đem tiền đi đầu tư đất, mong làm giàu nhanh từ đất đai.
Thấy nhiều bạn bè khi đầu tư đất nền lẻ hoặc đất vườn mức lời khoảng 30-50% trong vòng một năm, anh V cũng “chắc như đinh đóng cột” lần làm ăn này của mình sẽ chắc thắng. Khoảng tháng 10/2019, anh V bỏ ra 1.5 tỉ đồng để mua nền đất diện tích 90m2 tại giáp Tp.HCM, tức từ 1 tỉ đồng từ tiết kiệm và vay thêm 500 triệu đồng (thế chấp miếng đất mua).
Mua xong, anh V trông ngày trông đêm để chốt lời miếng đất. Khoảng tháng 12/2019 đất khu vực này có dấu hiệu rục rịch tăng, nhà đầu tư săn lùng đất, miếng đất anh V mua tăng lên khoảng 70 triệu đồng (trong vòng 2 tháng kể từ thời điểm mua vào).
Anh V mừng thầm, với đà này đất của anh phải tăng gần gấp đôi trong vòng 1 năm. Nghĩ vậy, anh V ngồi chờ đợi giá đất lên, canh thời điểm chốt lời (dự tính sẽ bán trong vòng 1 năm đầu tư).
Không như dự tính, đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, khu vực anh V đầu tư đất vốn sôi động bỗng trở nên im ắng. Giá đất có dấu hiệu chững lại khi dịch xuất hiện. Anh V bắt đầu tỏ ra lo lắng với thương vụ đầu tư đầu tiên của mình. Do vướng 500 triệu đồng vay ngân hàng, vẫn trả lãi -gốc hàng tháng nên nỗi lo lắng của anh V càng tăng lên.
Ảnh minh hoạ
Anh V sốt sắng để bán nhanh miếng đất vì sợ mất khoản lời 70 triệu đồng đã tăng trước đó. Anh tìm môi giới để gửi lại nền đất bán. Tuy nhiên, do thị trường trầm lắng nên việc ra hàng gặp khó khăn.
Đến tháng 7 đợt dịch Covid-19 lần 2 lại xuất hiện khiến anh V như “ngồi trên đống lửa” vì không bán được đất, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả. Việc đất đai khiến anh đâu đầu, kèm việc kinh doanh không mấy thuận lợi vì dịch, có thời điểm anh V bị stress.
Do dịch nên việc buôn bán quán hàng của anh V chật vật, hâm hụt vô tiền mặt bằng, trong khi tiền tiết kiệm rút hết bỏ vào đất, khiến anh V chới với.
Vì cần tiền để duy trì, cầm cự việc kinh doanh nên anh V chỉ muốn bán thật nhanh mảnh đất “đầu đời” của mình, lấy tiền trang trải công việc. Đến tháng 8/2020, môi giới gọi điện cho anh V có khách đầu tư hỏi mua miếng đất của anh với giá 1.1 tỉ đồng (tức giảm 400 triệu đồng so với giá mua vào). Anh V ngã ngửa nhưng vì đang ở thế bí, đất đai, tiền nong khiến anh đau đầu nên anh V quyết định bán lỗ để thu tiền về lo cho việc kinh doanh.
“Lúc đó, tôi không nghĩ được gì cả, kiểu giống như bị dồn vào thế bí ấy, chứ ai lại dại đi bán lỗ đến nửa tỉ đồng miếng đất. Có lẽ mình không có duyên với việc đầu tư đất đai, không gặp đúng thời, lại thêm gánh nặng tài chính nên đành chấp nhận mất tiền”, anh V tâm sự.
Theo anh V, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đầu tư của anh cũng không suôn sẻ như kì vọng. Còn nếu có tài chính dày thì sẽ vẫn chờ đợi được đất lên giá. Nếu để được đến thời điểm này thì cũng đã tăng được vài trăm triệu, nhưng vì vốn mỏng nên anh không giữ được đất, khiến việc đầu tư trở thành gánh nặng.
Theo các chuyên gia, nếu nhà đầu tư có vốn mỏng, đón sóng một thị trường nào đó thì chỉ nên vào lướt sóng, rồi canh thị trường để chốt lời, rút ra sớm. Vốn mỏng mà đầu tư dài hạn (vay thêm ngân hàng) thì đất nền không phải là sân chơi phù hợp, mà căn hộ hình thành trong tương lai, đóng theo giai đoạn sẽ thích hợp hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyên các nhà đầu tư cá nhân có vốn mỏng không nên chạy theo cơn sốt, không mua vào lúc giá lên đỉnh, rất dễ gặp rủi ro sau đó.
Nhịp sống kinh tế