Dân tình đang bày tỏ rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Cơn sốt đất cuối năm đã tạo nên những rung lắc mạnh mẽ trên thị trường BĐS, giá đất tăng vùn vụt. Không dừng lại ở đó, diễn biến này còn khiến nhà cửa – đất cát trở thành đề tài dễ thu hút chú ý nhất trên MXH. Thậm chí cả những page vốn chẳng liên quan gì đến BĐS cũng mang chuyện nhà đất ra mổ xẻ.
Mới nhất, một bài đăng liên quan đến chuyện mua nhà chung cư ở các thành phố lớn đã nhận về nhiều sự quan tâm. Nội dung được chia sẻ như sau: “Chung cư sơ cấp ở thành phố lớn giờ cũng lên đến 2,5 – 3 tỷ. Suy ra một sinh viên giỏi xuất sắc ra trường với mức lương 20 triệu, đi làm tới năm 40 tuổi chưa chắc đã mua được nhà”.
Phía dưới bài đăng, netizen đã để lại rất nhiều ý kiến khác biệt về vấn đề mua nhà thành phố nói riêng và tình hình BĐS nói chung.
Đó là lý tưởng, còn thực tế thì…
Với những con số được đưa ra, nhiều người đã chỉ ra loạt điểm chưa hợp lý với tình hình thực tế. Chẳng hạn như không nhiều người đạt được mức lương này khi mới ra trường hay đến năm 40 tuổi thì giá nhà cũng đã nhiều hơn rồi, không còn như cũ nữa:
– Tính thế thôi chứ nhiều người tốt nghiệp đi làm lương phổ thông chỉ có 6 – 7 triệu/ tháng nói chi đến 20 triệu cho xa xôi.
– Đất mỗi năm lên nhẹ cũng 15%, không làm thêm gì nữa thì cả đời cũng chẳng mua được.
– Đất tăng, sắt tăng, xăng tăng,… mọi thứ đều tăng. Kiếm được đồng tiền giữa thời đại 4.0 này thật là áp lực.
– Kể cho là 40 tuổi đủ đi nhưng đến 40 tuổi làm gì còn giá 2.5 – 3 tỷ nữa.
Team về quê “nuôi cá và trồng thêm rau”
Với sự tăng giá đất chóng mặt như vậy, ý kiến về quê “nuôi cá và trồng thêm rau” giống Đen Vâu là một trong những ý kiến được netizen đồng tình nhất. Những người chung quan điểm này cho biết:
– Lên thành phố làm ăn rồi khi nghỉ hưu, về quê nuôi cá và trồng thêm rau sống cuộc sống yên bình không bon chen.
– Tui ở trọ đi làm, dồn tiền sau này về quê xây nhà chứ ở gì thành phố.
– Có tiền sao cứ phải mua chung cư? Về quê xây quả nhà ổn áp rồi để dành tí mà tiết kiệm, sau đó mới tính tiếp.
– Về quê kiếm mảnh đất cắm dù thôi.
Khoan… từ từ vì đất ở quê bây giờ cũng không rẻ
Tuy nhiên ngay lập tức, những người đòi “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” đã bị dội một gáo nước lạnh. Bởi lẽ hàng loạt ý kiến khẳng định bây giờ muốn về quê mua đất cất nhà cũng phải có sẵn tiền tỷ trong tay. Cụ thể:
– Cứ bảo về quê mua đất cất nhà nhưng mà chao ôi đất quê cũng đang nóng hổi. Nếu cứ thế thì thế hệ trẻ sẽ thành người vô gia cư à?
– Không cần chung cư sơ cấp ở thành phố lớn đâu, tôi ở quê giờ cũng tiền tỉ cho 1 lô đất rồi, chưa nói đến xây nhà.
– Quê tôi bây giờ, một miếng đất gần trung tâm xã diện tích khoảng 160m2 đã 3 tỷ mà chủ đất chưa muốn bán. Còn khu vực mặt đường liên xã, chú tôi bán miếng đất khoảng 250m2 có giá 3,2 tỷ. Nếu hai vợ chồng làm ở quê (mỗi tháng cất đi khoảng 20 triệu) để dành tiền mua đất thôi thì cũng đến cuối đời. Đó là chưa kể xây nhà.
– Giờ mua đất xây nhà ở quê cũng phải có cả tỷ trong túi rồi huống chi thành phố. Mà thế hệ này nhiều khi còn được cha mẹ giúp đỡ tài chính chứ thế hệ con cái chúng ta mới mệt.
Chuyên gia nói gì?
Những suy nghĩ và lo lắng của dân mạng về chuyện mua chung cư ở thành phố lẫn tậu đất ở quê đều hoàn toàn có cơ sở.
Chia sẻ tại VRES 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết giá BĐS tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Chẳng hạn, giá bán chung cư TP.HCM tăng từ trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 36 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng ở khu vực này trong cùng thời gian cũng tăng từ 97 triệu đồng/m2 lên 103 triệu đồng/m2.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Group (tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS) cho hay, thị trường Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung căn hộ cao cấp áp đảo hoàn toàn thị trường và không ngừng tăng giá thời gian qua. Cũng theo bà Dung, chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang sẽ là lý do khiến giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai.
Với khu vực đất quê được netizen đề cập, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng chia sẻ nhiều khu vực như Hoà Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, hay vùng ven Hà Nội… giá đất tăng gấp 3 là chuyện thường gặp. Thậm chí, có một số khu vực như đất vườn rộng làm trang trại tại Thạch Thất hay Chương Mỹ, việc tăng gấp 3 này chỉ diễn trong vòng nửa năm.
Theo các chuyên gia BĐS, do dịch bệnh và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán bất ổn thì xu hướng đổ tiền vào bất động sản càng gia tăng. Tâm lý lạc quan và lựa chọn bất động sản là kênh trữ tiền khiến cho giá đất tăng mạnh.
Ở góc độ cẩn trọng hơn, ông Đính bày tỏ sự lo ngại rằng giá nhà đất tăng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, gây bất ổn thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo ông Đính, với đà tăng giá như hiện tại thì giấc mơ an cư của đại bộ phận dân chúng ngày càng trở nên xa vời. Đây cũng là những điều mà dân tình vừa lo lắng ở trên.
SA (Pháp luật & Bạn đọc)